Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

“Lung linh hai tiếng gia đình”

 "Không một thành công nào trong sự nghiệp có thể bù đắp được cho thất bại trong đời sống gia đình". Đây là câu khẩu hiệu được ghi trên thành xe buýt của một thành phố ở Canada. Cứ tưởng người Việt coi trọng đời sống gia đình hơn người Âu-Mỹ. Xem ra không hẳn như vậy. 

Gia đình - một trong những thiết chế xã hội bền vững nhất của dân tộc ta - đang phải đối mặt với những thách thức to lớn của thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.

Trước hết, đó là thách thức của lối sống và lao động công nghiệp. Chúng ta đang tiến hành công nghiệp hóa đất nước. Quá trình này diễn ra hết sức nhanh chóng và sức ép của nó lên đời sống gia đình cũng rất lớn. Do quy trình lao động bận rộn và căng thẳng, các thành viên trong gia đình còn rất ít thời gian để dành cho nhau. Việc giao tiếp giữa bố mẹ với con cái ngày càng ít dần.

Có những gia đình thậm chí các thành viên ít khi nhìn thấy mặt nhau vào những ngày trong tuần. Họ chia sẻ với nhau ít hơn và thấu hiểu về nhau cũng ít hơn. Gia đình của các doanh nhân, của những người làm nghề tự do cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Do áp lực của kinh doanh, của thị trường, các ông bố, bà mẹ bị cuốn hút vào công việc đến mức không thể gỡ ra được. Cái họ có thể cung cấp được cho con cái là tiền, trong một số trường hợp là rất nhiều tiền, chứ chưa hẳn là sự quan tâm chăm sóc.

Công nghiệp hóa dẫn đến đô thị hóa. Cả hai quá trình này đều tác động to lớn đến đời sống gia đình không chỉ ở thành thị, mà còn cả ở nông thôn. Di cư và bán di cư đang là một thực tế mà phần lớn các gia đình nông thôn đang phải đối mặt. Và với thực tế này, hiện tượng các “gia đình không đầy đủ” đang hình thành ngày một nhiều hơn. Đây là những gia đình mà bố hoặc mẹ (nhiều khi cả bố lẫn mẹ) di cư vào các thành phố lớn   Nam đô   để tìm kiếm việc làm. Họ trở về với gia đình ở nông thôn ngày càng thưa dần. Thậm chí nửa năm, một năm họ chỉ trở về một hoặc hai lần. Con cái trong các gia đình như vậy không bao giờ có được sự chăm sóc, giáo dục đầy đủ của cả bố lẫn mẹ. Và sự chung sống, chung vui ở đây là hoàn toàn thiếu hụt.

Thứ hai là thách thức của công nghệ thông tin-truyền thông và các phương tiện nghe nhìn hiện đại đã và đang làm thay đổi hoàn toàn đời sống của chúng ta. Chúng mở ra vô tận khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận tri thức, tiếp cận các dịch vụ giải trí; nhưng chúng cũng lấy đi ngày càng nhiều hơn thời gian chung sống của gia đình.

Các thành viên trong một gia đình có thể cùng ngồi chung trong một căn phòng, nhưng ai cũng chỉ chúi mũi vào máy tính hoặc IPad, IPhone của mình hoặc vào tivi. Họ đang ngày càng trở thành các ốc đảo hiện hữu ở cạnh nhau hơn những người ruột thịt sống với nhau.

Thói quen chat chit và giao tiếp qua mạng xã hội cũng lấy đi vô số thời gian đáng ra phải dành cho đời sống gia đình. Điều này càng củng cố xu hướng các thành viên trong gia sống bên nhau, nhưng độc lập với nhau. Ai sống cuộc sống của người đó.

Với những thách thức to lớn nói trên, hai tiếng gia đình không biết còn lung linh được bao lâu nữa ở Việt Nam ta?

Hóa giải những thách thức để bảo vệ gia đình vì vậy là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Trong bối cảnh này, lễ phát động Năm gia đình Việt Nam được long trọng tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 16.3 vừa qua là rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta phải làm rất nhiều việc sau lễ phát động này. Đặc biệt là phải nhanh chóng có các phản ứng chính sách để bảo vệ đời sống gia đình. Bởi vì rằng “Không một thành công nào trong sự nghiệp có thể bù đắp được cho thất bại trong đời sống gia đình”.


Nguồn: laodong.com.vn

Link: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/lung-linh-hai-tieng-gia-dinh/106335.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét