Chẳng còn cảnh tấp nập, ồn ã, chen chân xuống đò như ngày đầu mở hội. Khi cái rét nàng Bân theo cơn gió mùa Đông Bắc đang tràn xuống khắp nẻo đất trời Hà Nội thì đất Phật Hương Sơn bàng bạc trong cơn mưa như trút. Người dân ở đây kể rằng, năm nào cũng vậy, cứ đến cữ này, mưa ba ngày liên tiếp, có năm nước dâng chạm cầu Hội để rửa đền, rửa chùa sau những ngày tháng đón khách thập phương về chiêm bái. Hàng trăm con đò gối bãi bụng nặng nước mưa vẫn trăn trở một màu sơn đỏ gụ, đợi những vị khách cuối cùng trong chiều thâm u của ngày đã cạn.
Mưa ngớt. Tôi cùng người bạn uống nốt ngụm nước chè, thì chị chủ đò Tâm Hợp đã ngồi sát cạnh, nài nỉ: “Các chị về lễ chùa, đi thuyền của em nhé. Yên tâm, em sẽ lấy giá hữu nghị!”. Tôi hỏi: “Hai người thì giá bao nhiêu?”, chị chủ đò giọng tỉnh queo: “Hai người thì chúng em vẫn mất cả chuyến đò mọi khi chở được chục người, cho em 500.000đ”. Tôi tròn mắt: “Gì mà đắt thế. Giá vé trọn gói vào cổng và cả đò mỗi người là 85.000đ, hai người là 170.000đ. Tôi trả cho chị 400.000đ, không đi thì thôi”, vẫn quen vòi vặt thêm “tuy là 85.000đ/người nhưng chúng em chỉ được trích lại có 30.000đ thôi, mà chở chục người thì được 300.000đ/chuyến, bây giờ cũng cuối vụ rồi, em lấy thế thôi!!!”, thỉnh thoảng ông chủ hàng nước lại đế thêm “các bác đi lễ chùa mặc cả làm gì, người dân cả năm trời chỉ trông chờ vào lễ hội này thôi!!!”. Tôi dứt khoát tìm một con đò khác. Thấy vậy, chị Hợp xuống nước chấp thuận mời chúng tôi lên đò.
Con đò được đẩy đi theo từng nhịp khua của mái chèo, tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn đò, tấp lên bờ suối khiến không gian càng thêm tĩnh mịch, thanh vắng, trong lành, mát lạnh sau cơn mưa. Trên dòng suối Yến, chúng tôi được tận cùng cảm nhận một ngày trôi đi với đầy đủ sắc thái của không gian và thời gian. Từ khi còn thu vào tầm mắt bức tranh sơn thủy hữu tình nơi đất Phật, đến lúc nước, đất trời bắt đầu hòa màu đêm sau khoảng gần hai tiếng đồng hồ mênh mang cùng dòng Yến. Bỗng tiếng máy ca nô dội lại xáo động bến vắng và đường sóng của nó đánh nghiêng ngả những thân đò mỏng manh. Chùn tay chèo, chị Hợp bực mình: “Đi gì mà nhanh thế!”, chỉ còn tiếng cười đáp lại và rơi tõm vào không gian. Tôi hỏi: “Có nhiều ca nô đi như thế này không chị?”, giọng chưa hết bực tức, chị Hợp đáp: “Hôm nào chẳng thế, mấy chiếc mà làm náo loạn cả. Ban tổ chức đã quán triệt không sử dụng ca nô trừ những lúc cấp thiết nhất thôi, thế mà vẫn cứ rầm rầm...”.
Xa xa, vệt sáng cứ tỏ dần của đèn điện kiốt theo hướng con đò về bến Thiên Trù và tiếng nhạc xập xình, karaoke phá tan không gian tĩnh mịch. Những dãy núi thẫm đen lại trong màu đêm, nhưng mắt tôi vẫn lờ mờ nhận ra dáng voi phục, mâm xôi con gà, và “99 con voi chầu về động Hương Tích, một con bướng bỉnh quay mông vào bị phạt cụt mông, máu chảy lênh láng hóa dòng Yến...”, lời thuyết minh của chị lái đò càng khiến nơi này trĩu nặng liêu trai...
Chúng tôi bắt đầu đi tìm nơi nghỉ sau chặng đường dài. Một phụ nữ lẽo đẽo theo sau, nói với chúng tôi: “các chị vừa đi đò của chị Hợp à? Em là em họ của chị ấy, chị ấy nói là các chị vào nghỉ chỗ em, mai chị ấy bận đưa khách vào, em sẽ chở đò ra cho các chị!”. Tôi liền kiểm tra lại: “không thấy chị ấy nói gì, cho tôi số điện thoại của chị ấy (lúc đó tôi đã lưu số điện thoại của chị Hợp vào danh bạ) để tôi gọi lại”, phát hiện không phải số điện thoại đó, người phụ nữ liền lủi mất tăm. Mang chuyện nói lại với chị Hợp, được biết, chùa Hương năm nay bắt đầu xuất hiện việc các nhà đò “hớt tay trên” của nhau, lợi dụng việc khách đi chuyến đò về mới trả tiền thì một số đối tượng đã đóng giả là người nhà của chủ đò lượt đi để chở khách về mà “ôm” trọn tiền. “Con trai của tôi cũng bị một vố, mất khoảng gần hai chục khách, cháu đợi đến 9h tối, vẫn không thấy bóng dáng một khách quen nào, liền gọi lại cho họ thì được biết họ đã về đến nhà và do một người phụ nữ xưng là người nhà chở hộ...”.
Ngoài bán đồ lưu niệm, đồ ăn, bánh kẹo thì mỗi quầy hàng ở đây đều kinh doanh thêm nơi ở trọ cho khách, với giá đồng loạt ngủ qua đêm là 25.000đ/người, dùng nước sinh hoạt thì trả thêm 5.000đ/ca. Khi đã đặt được chỗ nghỉ, chúng tôi lên chùa Thiên Trù lễ Phật và vãn cảnh. Đang thưởng không khí xuân thiền thì một người đàn ông mặc áo chùng thâm lại gần: “Các chị không bận gì thì vào giúp nhà chùa”. Chúng tôi được chỉ dẫn đến một gian nhà chừng 70-80m2 thoáng rộng, trong đó đã có khoảng hai chục người đang kiểm ngân, soạn, phân loại tiền công đức mệnh giá 500đ, 1000đ cho nhà chùa, nhân viên ngân hàng cũng được mời tham gia vào việc kiểm đếm và đóng tiền thành từng cọc. Anh Thanh (người đàn ông mời chúng tôi giúp nhà chùa) cho biết: “Tôi đã chắp táp (giúp việc cho chùa) ở đây mấy năm rồi. Đi lễ, mỗi người nên bòn chút công đức cho may mắn, người thì kiểm ngân, quét tước chùa, nấu nướng... Mỗi năm chùa Hương có hàng chục phật tử đến để giúp nhà chùa ba tháng lễ hội. Mỗi người một cảnh ngộ, một số phận, đến chùa để ăn mày cửa Phật, tìm chút bình yên trong lòng bớt đi xô bồ, mệt mỏi trong cuộc sống. Cô Đào ở Hà Nội, cô Nga ở Nam Định... cũng ở đây giúp nhà chùa cả tháng trời rồi...”.
Tôi thấy lòng mình tự tại, bình yên trong không khí ấm cúng, tĩnh lặng và phảng phất hương trầm.
Mộc Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét