Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Nhu cầu lớn
Ông Nguyễn Quốc Tuấn-Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: hiện nhu cầu nhà ở trên địa bàn thành phố rất lớn. Tổng hợp từ các đối tượng là cán bộ công nhân viên cho thấy với danh sách 118 đơn vị có tới 193.161 có nhu cầu mua nhà; Về cơ quan trung ương có 35 đơn vị gửi số liệu với 157.053 người có nhu cầu; Các đơn vị thuộc thành phố với 83 đơn vị có 36.108 người có nhu cầu. Cùng với đó theo chương trình 06 của Thành ủy đến năm 2015 phải xây dựng 15.500 căn hộ với diện tích 1,2 đến 1,5 triệu mét vuông, đối với nhà công nhân 28.750 căn với 1,6 triệu m2.
Về phía các DN nhiều dự án nhà ở thương mại hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và bán nhà. Việc chuyển đổi không chỉ giúp DN có cơ hội tiêu thụ lượng hàng tồn kho mà còn có thêm nguồn vốn từ khoản tiền sử dụng đất thì được nhà nước hoàn trả lại, đồng thời có cơ hội tiếp cận ưu đãi từ gói tín dụng 3.000 tỷ đồng mà Chính phủ đang bỏ ra để cứu thị trường bất động sản. Có thể xem đây là “cửa thoát” rất hữu hiệu.
3 dự án đã được thành phố chấp nhận về nguyên tắc: -Dự án khu đô thị mới Trung Văn, huyện Từ Liêm do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư. Hiện chủ đầu tư đang làm hồ sơ điều chỉnh quy hoạch kiến trúc; -Dự án khu nhà ở cao tầng đô thị Sông Đà tại 143 Trần Phú, Hà Đông của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Sông Đà. Dự kiến dự án này sẽ khởi công xây dựng vào tháng 6/2013, 35 tầng với 544 căn hộ. Công trình sẽ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng tháng 8- 2015; -Dự án tổ hợp chung cư AZ Thăng Long Hà Nội của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, chủ đầu tư đang làm hồ sơ điều chỉnh quy hoạch kiến trúc. 3 dự án đã được liên ngành họp xem xét để báo cáo UBND Thành phố: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại 352 đường Giải Phóng, quận Thanh Xuân; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất CT8 khu đô thị Nam An Khánh, huyện Hoài Đức; Dự án xin chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội tại 486 Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. |
Chính vì vậy hiện Bộ Xây dựng tiếp nhận rất nhiều đơn xin chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà xã hội. Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng cho thấy ngoài 3 dự án đã được thành phố chấp thuận về nguyên tắc thì còn 3 dự án khác đang được các đơn vị liên quan của Hà Nội xem xét.
Cùng với đó là 12 dự án khác đã đăng ký xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi cơ cấu căn hộ và chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Đây đều là những dự án nằm ở vị trí đẹp song hầu hết mới đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chưa hình thành nhà.
Tiêu chí được chuyển đổi?
Theo ông Tuấn có 3 điểm quan trọng trong việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà xã hội. Đó là dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội phải điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, nhưng vẫn đảm bảo thiết kế để bán, cho thuê đúng đối tượng.
Tiếp theo việc chuyển đổi căn hộ, nhà ở thương mại phải đảm bảo điều kiện tối thiểu về quản lý khai thác. Thứ ba là các dự án đã nộp tiền sử dụng đất thì được Nhà nước hoàn trả lại số tiền này hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính.
Việc chuyển đổi này phải đảm bảo 5 nguyên tắc: Thứ nhất, là phải an toàn tiện lợi. Thứ hai, là căn hộ diện tích nhỏ sau khi chuyển đổi phải đảm bảo đủ không gian diện tích sử dụng tối thiểu như: Bếp, công trình phụ, nhà vệ sinh… (căn hộ khép kín). Thứ ba, là căn hộ sau khi chuyển đổi có diện tích không thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật (tối thiểu là 45m2). Thứ tư, dự án được điều chỉnh căn hộ nhưng không thay đổi diện tích sàn xây dựng theo quy hoạch đã được cấp tổng diện tích sàn thì không phải xem xét chỉ tiêu về dân số và không áp dụng các quy định về diện tích cơ cấu căn hộ. Thứ năm, trường hợp dự án khi điều chỉnh cơ cấu căn hộ mà tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở thay đổi so với quy hoạch đã được cấp chuẩn phê duyệt thì phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/500.
Thành phố khuyến khích
Nhu cầu rất lớn, các điều kiện quy định cũng khá rõ ràng, tuy nhiên hiện cũng chỉ mới có 3 dự án được thành phố chấp thuận về nguyên tắc để chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Trả lời câu hỏi về việc liệu sẽ có làn sóng ồ ạt chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để hưởng ưu đãi và tránh quy định tạm ngừng cấp phép các dự án nhà ở thương mại của thành phố hay không, ông Tuấn cho biết: việc chuyển đổi sẽ do các DN cân nhắc quyết định trên lợi ích kinh tế và điều kiện của mình, thành phố khuyến khích và ủng hộ để làm sao vừa tháo gỡ khó khăn cho DN vừa tạo nguồn cung hợp lý đáp ứng nhu cầu nhà ở của thành phố.
Đồng thời lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định: hiện Chính phủ, thành phố và các cơ quan ban ngành khác đều đang tập trung giải quyết vấn đề này, thị trường bất động sản thì đang tồn kho lớn, nên không có chuyện DN phải “bôi trơn” để được chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Để giảm thiểu thủ tục hành chính cho DN, kịp thời giải quyết các vướng mắc, thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Cục Quản lý Nhà và các đơn vị chức năng. Việc xem xét đang được Tổ tiến hành rất tích cực, 2 tuần một lần sẽ có cuộc họp để nghe báo cáo và kịp thời giải quyết vướng mắc.
Tuy nhiên đại diện Sở Xây dựng lưu ý, các DN cần có sự chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, đảm bảo các điều kiện theo quy định tránh mất nhiều thời gian bổ sung, hoàn tất hồ sơ. Và một trong những điểm quan trọng được ông Tuấn nhấn mạnh, đối với các dự án đã huy động vốn muốn chuyển đổi sang nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp thì phải được sự đồng ý của những người đã đầu tư.
Chưa có DN chào bán dự án nhà ở thương mại Liên quan đến chủ trương thành phố mua lại các dự án Nhà ở thương mại của DN, ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Thành phố có chủ trương mua lại các dự án thương mại để phục vụ cho mục đích tái định cư. Nhưng vấn đề hiện nay đặt ra là nhà ở thương mại khi mua cần phải có 2 điều kiện, chủ đầu tư có bán hay không, và thành phố có mua hay không. Bởi vì nếu dự án cũ không phù hợp với mục đích tái định cư, giá bán quá cao thì thành phố không mua. Hiện nay thành phố Hà Nội đã quyết định mua một dự án nào chưa thưa ông? - Chúng tôi đã có chủ trương chào mời các doanh nghiệp bán, nhưng sau 3 tháng, hiện Sở Xây dựng vẫn chưa tiếp nhận được một hồ sơ nào. Chúng tôi vẫn tiếp tục có văn bản đề nghị các chủ đầu tư có nhu cầu bán dự án thì liên lạc với Sở Xây dựng Hà Nội. Có thể, các chủ đầu tư đã bán được một phần lớn khối lượng các căn hộ nên họ tiếp tục theo hướng này. Vậy hướng tiếp theo của thành phố về vấn đề này thế nào thưa ông? - Để hiện thực hóa điều này sang tuần tới Sở Xây dựng sẽ họp tổ công tác thống nhất các tiêu chí trình UBND thành phố. Lúc đó dự án nào mua, dự án nào không mua sẽ được Sở Xây dựng công bố công khai. Bên cạnh đó sau khi công bố các dự án có khả năng mua được Sở Xây dựng sẽ đề nghị thành phố chi một khoản tiền để tiến hành thẩm định về giá, thủ tục của các dự án đấy, sau đó giới thiệu cho người dân bị thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng trực tiếp đến mua. Làm tốt khâu này vừa đảm bảo cho người dân mua được đúng giá, vừa đảm bảo giấy tờ hợp pháp. |
Nguyễn Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét